Bạn có biết giáo án điện tử và bài giảng điện tử khác nhau thế nào không? Chúng ta cùng phân biệt nhé. - Minh Phạm Blog
Đây là hai cụm từ mà chúng ta có thể đã nghe nhàm tai trong vài năm trở lại đây. Ấy vậy nhưng vẫn có nhiều giáo viên vẫn chưa phân biệt rõ ràng được hai thuật ngữ này, hoặc hiểu sai. Chính vì vậy hôm nay chúng ta hãy cùng nhau xem lại và cùng nhau phân biệt rõ ràng nhé.
Giáo án điện tử là gì?
Muốn trả lời được câu hỏi này thì trước hết ta phải biết được giáo án là gì trước đã. Giáo án là kế hoạch và dàn ý bài giảng của giáo viên được soạn trước ra giấy để tiến hành dạy học trong một hoặc hai tiết lên lớp. Trong giáo án thường ghi chủ điểm, mục đích giáo dục và giáo dưỡng, nội dung chi tiết sắp xếp theo trình tự lên lớp, phương pháp và thủ thuật dạy - học của giáo viên và học sinh, công việc kiểm tra và đánh giá, ngoài ra còn chỉ ra những dụng cụ, thiết bị cần thiết phải dùng.
- Dạy để làm gì? (mục tiêu).
- Dạy cho ai? (đối tượng học tập).
- Dạy cái gì? (nội dung).
- Dạy như thế nào? (phương pháp giảng dạy).
Bài giảng điện tử là gì?
Bài giảng là một phần nội dung trong chương trình của một môn học được giáo viên trình bày trước học sinh. Các yêu cầu cơ bản đối với bài giảng là: định hướng rõ ràng về chủ đề, trình bày có mạch lạc, có hệ thống và truyền cảm nội dung, phân tích rõ ràng, dễ hiểu các sự kiện, hiện tượng cụ thể có liên quan và tóm tắt có khái quát chúng, sử dụng phối hợp nhiều thủ pháp thích hợp như thuyết trình, chứng minh, giải thích, đàm luận, làm mẫu, chiếu phim, mở máy ghi âm, ghi hình v.v. Bài giảng luôn được xem như một đơn vị nội dung của chương trình có độ dài tương ứng với một hoặc hai tiết học.
Nói cách khác, bài giảng điện tử là một hình thức tổ chức bài lên lớp nhằm thực thi giáo án điện tử, bài giảng điện tử là tập hợp các học liệu điện tử được tổ chức theo một kết cấu sư phạm để có thể giúp người học đạt được kiến thức và kĩ năng cần thiết. Khi đó toàn bộ kế hoạch hoạt động dạy học đều được chương trình hoá, do giáo viên điều khiển thông qua môi trường đa phương tiện với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Nếu như bài giảng truyền thống là sự tương tác giữa thầy và trò thông qua các phương pháp, phương tiện và hình thức dạy - học truyền thống thì bài giảng điện tử là sự tương tác giữa thầy và trò thông qua các phương pháp, phương tiện và hình thức dạy - học có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.
Có thể hiểu đơn giản rằng: Bài giảng điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, giúp cho bài giảng sinh động, dễ hiểu và có tính tương tác cao hơn. Một số phần mềm dùng để biên soạn bài giảng trình chiếu được ưa chuộng ở nước ta hiện nay như: Microsoft Powerpoint, Adobe Presenter, Violet, Lecture Maker… Trong đó, Microsoft Powerpoint là được các giáo viên sử dụng nhiều nhất vì tính phổ biến, nhiều tính năng, dễ dùng và khả năng tùy biến cao của nó. Trong khi Adobe Presenter cũng đang được nhiều người quan tâm vì nó có khả năng tương tác cao với người học.
Để soạn thảo Bài giảng điện tử có chất lượng đòi hỏi người giáo viên phải có các kiến thức cũng như kĩ năng sử dụng vi tính, các phần mềm hỗ trợ cũng như việc khai thác thông tin trên internet tốt. Vì thế trong thời gian tới, các bài viết của mình sẽ hướng tới việc hướng dẫn sử dụng các phần mềm để soạn thảo bài giảng điện tử, giúp quý thầy cô có thể tự học và tự làm mà không phải đến các trung tâm để bồi dưỡng. Điều này sẽ giúp quý thầy cô tiết kiệm được khá thời gian và tiền bạc đấy.
Kết luận
Việc phân biệt hai cụm từ trên mình viết có vẻ dài dòng và nguy hiểm, nhưng thực tế nó rất đơn giản đúng không nào. Bài viết chỉ là quan điểm cá nhân, vì thế nếu bạn có quan điểm khác hoặc cho là mình chưa đúng, thì vui lòng trao đổi cùng mình nhé, mình sẽ rất vui vì điều đó.
BÌNH LUẬN